"Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau"
(Tục ngữ)
Ngày xưa, có một người nông dân và một người thợ săn là hàng xóm của nhau.
Người thợ
săn nuôi một đàn chó rất dữ tợn và khó bảo, chúng thường nhảy qua hàng
rào và rượt đuổi đàn cừu của người nông dân. Người nông dân bảo
người hàng xóm rằng hãy trông nom đàn chó cẩn thận, nhưng xem ra những lời đó
đã bị bỏ ngoài tai.
Một ngày nọ, đàn chó lại nhảy qua hàng rào, chúng đuổi cắn đàn cừu và làm
nhiều con trong đàn bị thương nặng.
Lúc này, người nông dân không thể
chịu đựng thêm nữa. Anh ta bèn lên phủ báo quan. Vị quan chăm chú lắng nghe đầu đuôi câu chuyện rồi nói:
- Ta có
thể phạt người thợ săn và bắt anh ta xích hoặc nhốt đàn chó lại.
Nhưng anh sẽ mất đi một người bạn và có
thêm một kẻ thù. Anh muốn điều gì:
Một người bạn hay một kẻ thù làm hàng xóm của mình?
Người nông
dân trả lời rằng anh muốn có một người bạn hơn. Vị quan
nghe vậy bèn phán:
- Được,
vậy ta sẽ chỉ cho anh cách để vừa bảo vệ đàn cừu, vừa giữ được một người bạn.
Người nông dân bèn nghe theo lời chỉ
dẫn của vị quan.
Về nhà, người nông dân liền làm theo
những gì vị quan đã dạy. Anh ta bắt 3
con cừu tốt nhất của mình đem tặng cho 3 cậu con trai nhỏ của người hàng xóm.
Đám trẻ rất vui, quấn quýt chơi với 3
con cừu. Để bảo vệ đồ chơi mới
của lũ trẻ, người thợ săn đã làm một cái cũi để nhốt đàn chó. Từ đó trở
đi, đàn chó không bao giờ quấy rầy đàn
cừu của người nông dân nữa.
Cảm kích trước sự hào phóng của người nông dân với con của mình,
người thợ săn thường mang chiến lợi
phẩm anh ta săn được sang cho người nông dân. Người nông dân đáp lại bằng thực phẩm và phô mai do mình làm ra. Và chỉ trong một thời gian
ngắn, 2 người hàng xóm đã trở thành bạn
tốt của nhau.
Một điều dễ hiểu là để trở thành kẻ thù thì dễ nhưng để trở thành người
bạn thật sự thì khó. Chúng ta cần xem xét mọi sự việc trước khi thốt lên một
lời nói, đưa ra một quyết định hay thực hiện một hành động nào đó…để có cách xử
sự hợp lý với mọi người.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét